Chính sách hỗ trợ cần sớm đến được với doanh nghiệp
Cũng như cả nước, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Ðồng Nai đang kỳ vọng nhiều vào sự quyết liệt của Nhà nước, Chính phủ trong chính sách kiến tạo, liêm chính, hành động tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), Báo Lao động Ðồng Nai trao đổi nhanh với một số doanh nghiệp xung quanh Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017 cũng như quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh mới đây của Bộ Công thương.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Ðồng Nai Ðặng Văn Ðiềm: Kỳ vọng vào chính sách mới
Năm 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được thông qua, luật này sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Chủ doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ như chúng tôi rất kỳ vọng với những thay đổi khi trong luật có nhiều điều khoản có thể góp phần xóa bỏ những rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp. Mới đây, Bộ Công thương cũng vừa quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của 27 ngành nghề, lĩnh vực. Ðây được coi là quyết định “lịch sử” chưa từng có với số lượng điều kiện cắt giảm rất lớn. Những điều kiện hay “giấy phép con” này là một trong những rào cản mà trước nay nhiều doanh nghiệp nhỏ không thể thực hiện được. Các chính sách này của Nhà nước nếu đi vào thực tiễn sẽ mang lại hiệu quả lớn.
Giám đốc Công ty TNHH BeBoos Phạm Thị Thanh Mai: Động lực để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp
Với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng sự cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương chắc chắn sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy người trẻ khởi nghiệp. Là một doanh nghiệp chuyên về đào tạo, tư vấn làm chủ cho người trẻ, chúng tôi nhận thấy rất nhiều thanh niên muốn đứng ra làm chủ, khởi sự kinh doanh nhưng động lực của họ chưa đủ. Một phần do các chính sách của Nhà nước còn nhiều rào cản. Thậm chí, đối với những hộ kinh doanh cá thể, việc lên doanh nghiệp của họ cũng là chẳng đặng đừng vì khi đó chi phí cho hoạt động sẽ phát sinh cao hơn nhưng hiệu quả kinh doanh chưa chắc đã tốt hơn. Với những thay đổi theo chiều hướng kiến tạo thuận lợi như việc cắt giảm tới 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương và ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi nghĩ điều đó sẽ tạo động lực cho phong trào khởi nghiệp phát triển.
Giám đốc Công ty TNHH Tam Long Hưng Phát Nguyễn Văn Huynh: Doanh nghiệp nhỏ cần hỗ trợ nhiều hơn
Chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, do đó rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ Nhà nước. Các cơ chế, chính sách ban hành phải dựa trên thực tế hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Lâu nay hoạt động của các doanh nghiệp vẫn “tự bơi” là chính, một khi bị vướng vào vấn đề nào đó thì cơ hội cho doanh nghiệp phát triển sẽ chậm lại. Bên cạnh ban hành cơ chế, chính sách mới, muốn doanh nghiệp lớn được, các cơ quan Nhà nước chuyên ngành phải “đồng cảm” với doanh nghiệp, thấy rõ khó khăn và chủ động gỡ vướng chứ không chỉ đến khi nào doanh nghiệp kiến nghị rồi mới xem xét.
Giám đốc Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh Nguyễn Ðức Tuấn Hải: Mong chính sách sớm đi vào thực tiễn
Triển vọng phát triển hiện nay của công ty chúng tôi là rất lớn nhưng do là công ty nhỏ, mới thành lập nên bao nhiêu vốn liếng đổ vào đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất. Bên cạnh đó là rất nhiều chi phí khác như nhân công, quản trị doanh nghiệp, chi phí không chính thức… gần như vắt kiệt nguồn lực. Trong khi đó, việc vay vốn ngân hàng rất khó khăn. Ở công ty tôi, đã có một số khách hàng nước ngoài đến tham quan và đặt vấn đề cung cấp sản phẩm cho họ, ngặt một nỗi do công ty thiếu vốn nên chúng tôi chưa dám ký hợp đồng. Tôi nghĩ, có thêm bất kỳ chính sách hỗ trợ nào từ Nhà nước cũng rất quý đối với doanh nghiệp ít vốn như chúng tôi. Mong muốn lớn nhất là sớm được áp dụng bởi lâu nay từ chính sách tới thực tiễn vẫn còn khá xa.
Văn Gia